Đặc điểm hình thái, Yêu cầu ngoại cảnh, Xác định giống hồi đem trồng

Đặc điểm hình thái cây hồi

Cây hồi
Cây hồi

Hồi là cây gỗ nhỏ, thường cao 6 – 8m, có khi tới 10 – 15m. Đường kính thân cây trưởng thành từ 15 – 30cm, thân thẳng tròn. Tán lá rậm. Cành rất giòn, tương đối thẳng. Vỏ không nhẵn, mầu xám. Lá mọc thành chùm, nhưng ở phía cuối cành thì mọc cách. Phiến lá nguyên, dày, đầu và gốc lá thuôn nhỏ, mặt trên lục bóng hơn mặt dưới.

Hình thái lá hồi
Hình thái lá hồi

Hoa lưỡng tính, mọc thành chùm ở kẽ lá, mỗi chùm 2 – 5 hoa. Cánh hoa mầu hơi hung hoặc hồng. Cây hồi ra hoa 2 lần một năm, không có ranh giới rõ ràng, vụ thứ nhất ra hoa vào tháng 3, tháng 4, quả chín thu hoạch vào tháng 8 – 10 (gọi là hồi mùa), lứa quả này to, đẹp, nhiều dầu; vụ thứ 2 ra hoa vào tháng 10, tháng 11, quả chín và thu hoạch vào tháng 4 – 5 năm sau (gọi là hồi chiêm), lứa quả nhỏ, xấu, sản lượng chỉ bằng 1/4 – 1/3 sản lượng hồi mùa.

Cành mang hoa
Cành mang hoa

Quả hồi (nhân dân gọi là hoa hồi, người Tày, Nùng gọi là mác hồi hay mắc trác) lúc tươi màu xanh nhạt, khi chín thì khô cứng mầu nâu. Quả phức hình ngôi sao có từ 6 – 10 cánh, thường 8 cánh. Mỗi cánh là một tâm bì, trong mỗi tâm bì có 1 hạt. Hạt mầu đỏ hoặc nâu sẫm, trong hạt có dầu nhờn. Rễ hồi ăn nông. Tuy vậy, khi có gió bão cây ít bị đổ mà chủ yếu là bị gẫy cành.

Cành mang quả
Cành mang quả

Yêu cầu ngoại cảnh đối với cây hồi

 Vùng phân bố

Cây hồi có tự nhiên ở miền Bắc Việt Nam, ở các vùng núi Nam và Tây nam Trung Quốc (thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, đảo Hải Nam). Cây hồi đã được nhập trồng thử nghiệm tại Nhật Bản, Ấn Độ, Lào, Philipin,… nhưng sản lượng không đáng kể. Ở Việt Nam hồi có nhiều ở các tỉnh biên giới Việt – Trung, Cao Bằng (Đông Khê), Lạng Sơn, Quảng Ninh (Bình Liêu) và Bắc Kạn. Rải rác xuống tới Tây Bắc, Nghệ An. Song vùng hồi trồng tập trung là Lạng Sơn (chiếm 80 – 90% sản lượng toàn quốc).Tại Lạng Sơn hồi cũng chỉ phân bố ở một số huyện phía Bắc của tỉnh như Văn Quan , Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Yêu cầu về đất

Cây hồi thường mọc tốt ở vùng núi thấp và trung bình, độ cao từ 400 – 800m so với mặt biển. Cây hồi ưa lớp đất mặt có độ dầy tầng đất > = 70cm trở lên, đất tơi xốp, đủ ẩm, nhiều mùn, pH từ 3,3 – 5, còn tính chất đất rừng, độ mùn tối thiểu > = 2%. Tốt nhất trên đất rừng gỗ nghèo kiệt, phát triển trên đá mẹ Rhyolit nghèo thạch anh.

Trên đất phát triển từ phiến thạch sét, phiến thạch limông, hồi sinh trưởng trung bình. Tuyệt đối không gieo ươm hoặc trồng hồi trên đất phong hóa từ đá vôi và trong lòng các khe sâu (không đủ ánh sáng, độ ẩm quá cao).

Rừng hồi thuần loài - vị trí chân núi
Rừng hồi thuần loài – vị trí chân núi
Rừng hồi thuần loài - vị trí sườn núi
Rừng hồi thuần loài – vị trí sườn núi

Yêu cầu về nhiệt độ

Hồi là cây ưa sáng, song ở giai đoạn non lại cần được che bóng. Cây hồi sinh trưởng tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình năm khoảng 21 – 230C và chịu được nhiệt độ xuống thấp tới 00C. Khi nhỏ, cây hồi cũng không chụi được nhiệt độ cao, về mùa hè cây con dễ bị chết (nếu không có giàn che thích hợp). Khả năng chịu rét của cây con tương đối cao, không bị chết vì sương muối. Hai năm đầu, hồi cần phải che bóng, độ che thích hợp từ 50 – 75% ánh sáng, sau đó hoàn toàn ưa sáng, là loại cây chịu nhiệt kém, thoát hơi nước mạnh.

Yêu cầu về độ ẩm

Cây hồi thích hợp với những nơi có lượng mưa hàng năm lớn hơn 1.000mm, độ ẩm tương đối của không khí 70 – 80%, độ ẩm đất từ 60 – 70%

Xác định giống hồi đem trồng

Cây hồi là loài cây có nguồn gốc phát triển lâu đời ở Lạng Sơn. Trên thị trường thế giới, hồi là tên thương mại chung cho các loại sản phẩm của hai loài thực vật khác nhau: đại hồi và tiểu hồi.

Hầu hết lượng tinh dầu hồi giao dịch trên thế giới có nguồn gốc từ cây đại hồi được trồng tập trung ở Trung Quốc và Việt Nam.

Tiểu hồi: tinh dầu có vị ngọt và mùi dễ chịu hơn, nhưng sản lượng khá hạn chế so với đại hồi. Tiểu hồi có nguồn gốc ở vùng đông Địa Trung Hải và Tây Nam Á

Giống hồi được trồng ở tỉnh Lạng Sơn là giống đại hồi, có tên khoa học là Illicium verrum hook.F. Tại tỉnh Lạng Sơn trồng hồi nhiều nhất ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định, Cao Lộc và Văn Lãng. Hồi chủ yếu sản xuất cây giống từ hạt.

Xem thêm: Giá trị kinh tế cây hồi

Liên hệ: 0764 456 123

Địa chỉ: Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *