Hướng dẫn ươm sản xuất cây giống Hồi từ hạt

  1. Khái niệm, ưu nhược điểm sản xuất cây giống bằng hạt

1.1. Khái niệm

Sản xuất cây giống bằng hạt là quá trình sử dụng hạt giống để sản xuất ra cây giống.

Sản xuất cây giống bằng hạt là phương pháp nhân giống hữu tính, có thể áp dụng cho hầu hết các loài cây, trước khi con người sử dụng các phương pháp nhân giống vô tính như: chiết, ghép, giâm hom;

1.2. Ưu, nhược điểm sản xuất cây giống bằng hạt

1.2.1. Ưu điểm

– Kỹ thuật đơn giản, dễ làm

– Cây có bộ rễ phát triển mạnh, tuổi thọ thường cao hơn các phương pháp nhân giống khác

– Cây nhân giống từ hạt sinh trưởng khỏe, tính chống chịu với ngoại cảnh cao

– Hệ số nhân giống cao

– Chi phí sản xuất thấp hơn so với các phương pháp khác

1.2.2. Nhược điểm

Nhược điểm chính của sản xuất cây giống bằng hạt:

– Nhiều biến dị, cây mẹ tốt nhưng cây con có thể xấu; những cây con nhân từ một cây mẹ rất khác nhau về sản lượng, chất lượng.

– Cây nhân giống từ hạt sinh trưởng chậm;

Những nhược điểm trên đã cho thấy cây giống sản xuất từ hạt còn những điểm hạn chế trong sản xuất kinh doanh, vì vậy ngày nay người dân đã áp dụng phương pháp sản xuất cây giống bằng vô tính (như giâm, chiết, ghép). Đối với cây lấy quả người dân đã chủ động mua cây giống hoặc sản xuất cây giống bằng phương pháp ghép, chiết cành.

  1. Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống

2.1.  Thu hái quả

2.1.1. Tiêu chuẩn quả giống

Quả làm giống được chọn ở những rừng cây thuần loại hồi 8 cánh ở vụ hồi mùa (tháng 8 – 10).

Chỉ sử dụng quả hồi mùa làm giống. Ở tuổi cây thành thục từ 15 năm trở lên, nhưng tốt nhất là cây tuổi từ 30 – 40 năm, cây không bị sâu bệnh, sinh trưởng tốt, thân thẳng mập, tán cân đối, quả sai đều hàng năm (ở tuổi này cây cho trung bình từ 60 – 70kg quả tươi; cây sai quả có thể cho sản lượng từ 120 – 140kg).

Cây hồi 40 năm ở Văn Quan - Lạng Sơn
Cây hồi 40 năm ở Văn Quan – Lạng Sơn

2.1.2. Thời gian thu hái

Quả hồi để làm giống phải được thu hái vào sau tiết sương giáng (23 tháng 10 dương lịch) từ 5 – 7 ngày, quả đã chín.

2.1.3. Đặc điểm độ chín của quả

Nhận biết quả, hạt chín có những biểu hiện đặc trưng về mặt hình thái, mầu sắc và mùi vị…quả, hạt hồi khi chín vỏ thường có mầu vàng mơ, hạt bên trong có mầu nâu đậm, bóng nội nhũ mầu trắng và cứng.

Quả hồi mầu vàng mơ
Quả hồi mầu vàng mơ
Hạt có mầu nâu đậm, bóng
Hạt có mầu nâu đậm, bóng

2.1.4. Cách thu hái

Để đảm bảo chất lượng hạt giống và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chế biến, bảo quản, đồng thời bảo vệ cây giống phục vụ sản xuất lâu dài và sản lượng vụ sau, khi thu hái cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Chỉ thu hái những quả đã chín (vỏ quả mầu vàng mơ), mẩy, không sâu bệnh;

– Không bẻ cành, chặt ngọn cây giống

– Thu hái quả lúc trời nắng ráo

          – Trèo lên cây hoặc đứng dưới đất dùng cù nèo, móc giật từng quả chín.

Trèo hái quả hồi
Trèo hái quả hồi

2.2. Chế biến

2.2.1. Phân loại quả

Quả sau khi mang về sơ bộ nhặt bỏ tạp vật, tiến hành lựa chọn quả chín để chế biến trước, những quả chưa chín đều cần nhặt để riêng hoặc những quả chưa  thật chín hoàn toàn phải ủ một thời gian cho quả chín đều.

2.2.2. Ủ quả, hong phơi

Quả chưa chín đều được ủ thành từng đống (cao từ 30 – 40cm) trên nền nhà thông thoáng và có mái che, tránh nhiệt độ cao. Thời gian ủ từ 2 – 3 ngày cho quả chín đều, mỗi ngày đảo lại 1 lần. Khi quả chín đều chọn những quả 8 cánh, mẩy, không sâu bệnh rải mỏng, phơi ở nơi thoáng mát, có thể phơi dưới nắng nhẹ một lúc vào buổi sáng, không phơi dưới nắng to.

2.2.3. Tách hạt

Sau 4 – 5 ngày hạt tách ra, những hạt chưa tách ra được có thể dùng que tre để tách lấy hạt. Hạt sau khi được tách ra mang cho vào nước sạch và chỉ thu những hạt chìm xuống dưới để làm giống, hạt được vớt ra hong khô ở nơi thoáng gió 4 – 5 ngày, khi hạt đã ráo nước cho vào bảo quản.Thường để lấy được 1kg hạt cần 25 – 30kg quả tươi. 1 kg hạt có từ 12.000 – 13.000 hạt. Sau khi thu lấy hạt phải thu gom vỏ quả để sử dụng lấy tinh dầu.

* Chú ý:

– Chọn những hạt mẩy đều có mầu cánh gián để làm giống;

Trèo hái quả hồi
Trèo hái quả hồi

1. Ủ quả 2. Phơi quả 3. Tách hạt 4. Chọn hạt mẩy 5. Để ráo nước

2.3. Bảo quản hạt giống

2.3.1. Chuẩn bị

– Dụng cụ: xô nhựa hoặc chun vại sành, túi nilon

– Nguyên liệu: hạt giống, cát có độ ẩm 15 – 16%

2.3.2. Bảo quản hạt giống

2.3.2.1. Bảo quản ẩm

Cách 1: Rải một lớp cát ẩm (có độ ẩm từ 15 – 16%) dầy 5cm sau đó dải một lớp hạt dầy 3cm cứ như vậy thành đống cao không quá 60cm. Bên ngoài đống ủ phủ một lớp cát dầy 5 – 7cm.

Cách 2: Hạt được trộn đều với cát có độ ẩm từ 15 – 16% theo tỷ lệ 1 hạt + 3 cát (theo thể tích), được bảo quản trong xô nhựa nhưng tốt hơn là trong chum hoặc vại sành. Trong quá trình bảo quản 3 – 5 ngày đảo lại 1 lượt nếu cát bị khô phải bổ sung thêm nước (phải sàng tách riêng hạt và cát khi tưới nước). Phương thức bảo quản này có thể duy trì sức sống của hạt từ 75 – 100 ngày.

* Chú ý:

– Kiểm tra độ ẩm của cát bằng cách: nắm cát chặt trong lòng bàn tay không có nước chảy qua kẽ tay, trong tay có cảm giác mát, khi buông tay ra nắm cát vẫn còn nguyên hình chưa tơi rời.

– Thường xuyên giữ ẩm cho hạt và đảo hạt định kỳ, bỏ hạt mốc, thối và những hạt nẩy mầm.

Nắm cát kiểm tra độ ẩm 15 – 16%
Nắm cát kiểm tra độ ẩm 15 – 16%
Trộn hạt với cát
Trộn hạt với cát
Bảo quản ẩm cách 1
Bảo quản ẩm cách 1
Bảo quản ẩm cách 2
Bảo quản ẩm cách 2
Bảo quản trong chum vại sành
Bảo quản trong chum vại sành

2.3.2.2. Bảo quản ở nhiệt độ thấp

Hạt giống được đựng trong túi PE (nilon) hàn kín và được giữ ở nhiệt độ ổn định 5 – 100C, phương thức này có thể duy trì sức sống của hạt được lâu hơn.

2.3.2.3. Bảo quản lạnh

Nếu có điều kiện cho hạt vào trong tủ lạnh hoặc nhà lạnh để bảo quản

Bảo quản lạnh
Bảo quản lạnh
  1. Chuẩn bị đất gieo ươm

3.1. Thời vụ gieo ươm

Xác định thời vụ gieo hạt thích hợp, chủ yếu là căn cứ vào: điều kiện khí hậu của từng địa phương; đặc tính sinh vật học của loài cây (mùa hạt chín, khả năng giữ sức nẩy mầm của hạt giống, sức đề kháng của cây con), khả năng cất trữ hạt giống, thời vụ trồng rừng, tuổi cây con đem trồng, đem cấy, trình độ cơ giới hóa và mức độ thâm canh.

Nhìn chung đại bộ phận các loài cây gieo ươm vào mùa xuân hoặc thu, tuy nhiên có một số loài cây gieo vào các mùa khác nhau. Ở miền Bắc thường gieo hạt vào mùa khô từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Ví dụ: hồi thời gian gieo hạt đến khi xuất vườn 1 năm, nhân giống cây hồi bằng phương pháp ghép thời gian nuôi cây trong vườn 2 năm. Do đó, khi tính thời điểm gieo hạt, ghép cây phải lấy thời vụ trồng rừng trừ đi thời gian nuôi cây con ở vườn ươm (hoặc chăm sóc cây sau ghép). Ví dụ: mùa trồng hồi ở Tràng Định từ là tháng 3 – 6 hàng năm do vậy, ta phải tiến hành gieo ươm từ tháng 2 – 3 năm trước (trước mùa trồng rừng 1 năm).

* Chú ý:

– Gieo ươm tháng 1, 2 cấy cây tháng 3, 4, 5.

– Nên gieo hạt làm vài đợt, mỗi đợt cách nhau 5 – 6 ngày để có thể bố trí các công việc rải đều hợp lý như: cấy cây, tưới nước, tưới phân, làm cỏ, xới váng…và có đủ cây giống xuất vườn đều đặn trong suốt mùa trồng rừng.

3.2. Tạo luống gieo ươm

3.2.1. Chuẩn bị

– Dụng cụ: cuốc, bàn trang, cọc, dây

– Hiện trường: đất đã cầy bừa

3.2.2. Làm đất

Đất được cày bừa kỹ loại bỏ cỏ dại trước khi gieo ươm từ 1 – 1,5 tháng. Trước khi gieo hạt từ 10 – 15 ngày đất cần được xử lý tiêu diệt nấm và sâu bệnh sẵn có ở trong đất, thuốc để xử lý đất có thể dùng PCNP (Pentachorontri ben zen) với liều lượng 5 – 6 gam/m2 hoặc có thể dùng 75% PCNP + 25% Xerezan.

* Chú ý:

+ Trong khi làm đất phải loại sạch cỏ dại, đặc biệt là cỏ gấu, cỏ tranh và cỏ mần trầu chúng ta nhặt kỹ và thu gom đem đốt.

+ Thời gian hạt đem gieo thành cây mạ khoảng 2 – 3 tháng nên hạt nằm trong đất gieo lâu rất dễ bị hay bị nấm bệnh. Vì vậy, việc phòng bệnh cho hạt là rất quan trọng. Luống trước khi gieo hạt phải được dải một lớp mỏng vôi bột và định kỳ phun thuốc trừ nấm bằng dung dịch Boocđô nồng độ 1%.

3.2.3.Lên luống nổi có gờ

Hiện nay, loại luống nổi được áp dụng rất phổ biến vì luống nổi có bề mặt cao hơn rãnh luống, do đó thoát nước nhanh, tiện lợi cho việc chăm sóc. Có 2 loại luống nổi thường được sử dụng là luống nổi mặt phẳng và luống nổi có gờ.

3.2.3.1. Khái niệm luống nổi có gờ

 Là loại luống mà mặt luống cao hơn mặt rãnh, xung quanh mép luống có gờ bao bọc

Luống nổi có gờ
Luống nổi có gờ

3.2.3.2. Mục đích

– Giữ cho hạt không bị trôi dạt khi mưa to

– Giữ ẩm trên luống

3.2.3.3. Kích thước

– Chân luống rộng 1,3m, mặt luống rộng 1,2m,

– Dài 8¸10m, cao 12 – 15cm

– Rãnh luống rộng 40cm

3.2.3.4. Yêu cầu kỹ thuật

– Luống thẳng, mặt luống phẳng, đất trên mặt luống nhỏ (đường kính 2 ¸ 5mm), sạch cỏ, không có sỏi đá.

– Gờ thẳng, phẳng, cao 3 ¸ 5cm, rộng 3 ¸ 5cm

– Má luống và mép gờ được đập chặt nghiêng một góc so với mặt luống 45 ¸ 500

3.2.4. Trình tự các bước lên luống nổi có gờ

Bước 1: Định hình luống

Căng dây, kéo cự định hình luống

Định hình luống
Định hình luống

Bước 2: Tạo hình luống

Dùng cuốc bàn lấy hết 1/2 đất ở rãnh kéo lên mặt luống.

Tạo hình luống
Tạo hình luống

Bước 3: Tạo gờ luống

Dùng bàn trang gạt đất từ giữa luống ra rìa luống để tạo gờ

Tạo gờ luống
Tạo gờ luống

Bước 4: Đập má luống, mép gờ

Dùng mặt sau thân cuốc đập chặt má luống và mép gờ

Đập má luống, mép gờ
Đập má luống, mép gờ

Bước 5: San mặt luống

Dùng bàn trang kéo đất ở rìa luống vào giữa luống

Bạn hãy Xem tiếm bài tiếp theo nhé vẫn còn

Chúc bạn thành công !

Hotline: 0764 456 123

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *