Đôi nét về cây gỗ cẩm Lai, các đặc điểm bạn nên biết

Xin chào các bạn Trung tâm cây giống Tam Đảo hôm nay giới thiệu cùng các bạn cây giống gỗ cẩm lai, các đặc điểm bạn nên biết về cây gỗ cẩm lai cũng như trả lời cùng các bạn của một số khách hàng trồng cây cẩm lai bao lâu thu hoạch cũng như kỹ thuật trồng chăm sóc cẩm lai như thế nào cho hiệu quả kinh tế nhất.

Thông tin về cây cẩm lai

Tên khoa học: Dalbergia oliveri Gamble ex Prain

Tên tiếng Việt: Cẩm lai.

Tên tiếng Việt khác: Cẩm, Cẩm lai bà rịa, Cẩm lai đồng nai,

Cẩm lai bông, Cẩm lai mật, Cẩm lai vú, Trắc lai.

Tên tiếng Anh: Vietnamese rosewood.

Tên tiếng nước ngoài khác: Neang Nuon (Cam-pu-chia); Mai Ching Chan (Thái Lan); Kampee, Mai Kor phee, Pa dong daeng (Lào); Tamalan, Chingchan (Myanmar).

Chi: Trắc (Dalbergia)

Họ: Đậu (Fabaceae)

Phân bố

Ở Việt Nam: Cẩm lai phân bố tại Quảng Trị (huyện Hướng Hóa), Đà Nẵng (quận Sơn Trà), Kon Tum (huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đắk Tô), Gia Lai (huyện Ia Grai, Krông Pa, Đức Cơ và Chư Prông), Đắk Lắk (huyện Ea Kar, Krông Năng và Lắk, Vườn quốc gia Yok Đôn), Đắk Nông (huyện Đắk Mil và Cư Jút), Lâm Đồng (Lang Biang, Lạc Dương và huyện Di Linh), Đồng Nai (Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai), Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (huyện Thuận Nam và Ninh Sơn), Bình Thuận (rừng phòng hộ Hàm Thuận Bắc – Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc), Bình Phước (huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập), Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu (huyện Tân Thành và Xuyên Mộc). Trên thế giới: Cẩm lai phân bố tại Myanmar, Thái Lan, Lào và Campu-chia.

Bản đồ phân bố Cẩm lai
Bản đồ phân bố Cẩm lai

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Cẩm lai mọc rải rác hoặc thành quần thể nhỏ trong cả ba kiểu rừng: rừng cây gỗ hỗn giao tre-nứa; rừng bán rụng lá cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) hoặc Bằng lăng (Lythraceae) mưa mùa nhiệt đới trên đất thấp ở độ cao 100 – 700 m, có khi tới 1200 m so với mặt nước biển; và trong rừng cây lá rộng, thường xanh, mưa mùa nhiệt đới trên đất thấp. Cẩm lai sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau và sinh trưởng tốt nhất ở loại đất Bazan vàng đỏ hoặc đất bồi tụ tầng dày, nền đất tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ, thường gặp ở những nơi ẩm và ven sông, suối.

Phân bố của Cẩm lai ở khu vực ẩm, ven sông, suối
Phân bố của Cẩm lai ở khu vực ẩm, ven sông, suối
Cẩm lai chiếm tầng cao của tán rừng
Cẩm lai chiếm tầng cao của tán rừng

Cây ưa sáng, lúc nhỏ có thể chịu được che bóng. Cây sinh trưởng chậm và thường chiếm tầng cao của tán rừng Khả năng tái sinh hạt và tái sinh chồi tốt. Ra hoa vào tháng 4 – 5, quả chín vào tháng 6 – 12

Giá trị sử dụng và bảo tồn

Gỗ Cẩm lai thuộc Nhóm gỗ quý, hiếm, đặc biệt2. Gỗ cứng và nặng, rất bền, đẹp, mịn, ít bị nứt, không bị mối mọt, hương thơm đặc biệt rất được ưa chuộng để sản xuất đồ mộc cao cấp, mộc mỹ nghệ, đồ tiện, nhạc cụ, trang trí nội thất, và đồ dùng gia đình. Cả gỗ dác cũng như gỗ lõi đều được sử dụng.

Gỗ có giá trị xuất khẩu rất cao.

Loài Cẩm lai được xếp hạng “Nguy cấp” (EN) A1a,c,d trong Sách đỏ Việt Nam (2007), và xếp hạng “Nguy cấp” (EN) theo Danh lục đỏ các loài bị đe dọa của IUCN (1998).

Loài Cẩm lai có trong Phụ lục II của CITES và Nhóm IIA của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ban hành ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đặc điểm nhận dạng về hình thái thực vật

Cây gỗ cao 15 – 30 m. Đường kính thân cây từ 60 – 90 cm. Cây phân cành nhiều. Cành non chắc, khỏe, có lông tơ mỏng. Vỏ cây màu xám hay xám trắng, có bì khổng nổi rõ, khi già bong thành từng mảng màu nâu đậm.

Hình thái vỏ thân Cẩm lai
Hình thái vỏ thân Cẩm lai

Lá kép lông chim một lần lẻ, dài 15 – 25 cm, cuống dài 3 – 5 cm và phần mang lá chét dài 10 –18 cm, nhẵn. Lá chét (9 –) 10 –15 (17), mọc cách, mềm và giòn tới hơi dai, hình bầu dục thuôn tới mũi mác, dài 4 – 8 cm, rộng 1,5 – 3 cm, nhẵn, chóp nhọn hoặc tù, thường có mũi nhọn, tròn ở gốc, gân bên 9-12 đôi và gân thứ cấp hình mạng lưới nổi rõ ở cả hai mặt; cuống lá chét dài 3 – 4 mm. Lá non màu xanh nhạt hoặc hồng nhạt, có lông thưa hoặc không lông, lá già màu xanh thẫm hoặc hơi xám, nhẵn.

Cụm hoa chùm ở đầu cành, dài 10 – 15 cm. Lá bắc sớm rụng. Cuống hoa dài 1,5 mm, có lông thưa.

Hình thái lá Cẩm lai ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái lá Cẩm lai ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái hoa Cẩm lai
Hình thái hoa Cẩm lai

Hoa màu cà sáng, tím bên trong, dài 12 mm; ống đài dài 4 – 5 mm, nhẵn hoặc có lông thưa ở gốc; các thùy đài trên hình trứng tù, các thùy đài bên hình bầu dục tù và dài gần như nhau, thùy đài trong hình bầu dục, nhọn, hơi dài hơn các thùy khác hoặc dài gần bằng ống đài. Cánh cờ tròn, kích thước 6 – 7 mm x 6 – 7 mm (đã bao gồm cả móng dài 1,5 – 2 mm); cánh bên hình thìa, cong về phía đỉnh, kích thước 6 – 7,5 mm x 3,5 – 4 mm (đã bao gồm cả móng dài 1,5 – 2 mm); cánh thìa hình tai, kich thước 4 – 6 mm x 2,5 – 3,5 mm (đã bao gồm cả móng dài 1.5 – 2 mm). Nhị 10; chỉ nhị dính với nhau thành 2 bó; bầu dài 3 – 4 mm, có 2 – 3 lá noãn, có lông; vòi nhụy dài 2 – 3 mm, nhẵn

Quả dạng đậu, hình mác hoặc hình bầu dục thuôn, dài 9 – 14 cm, rộng 2,4 – 4 cm, nhẵn, đôi khi dai, màu nâu sáng, cuống quả dài 1 – 1,5 cm. Quả mỏng, phẳng, phình lên ở hạt thành hình chóp nhọn. Mỗi quả có 1 – 2 (ít khi 3) hạt, hình cầu hoặc thận, kích thước 12,5 x 9 mm, màu nâu hoặc đỏ đậm.

 Hình thái quả Cẩm lai ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái quả Cẩm lai ở VQG Bù Gia Mập
 Hình thái quả Cẩm lai ở VQG Cát Tiên
Hình thái quả Cẩm lai ở VQG Cát Tiên

Đặc điểm nhận dạng cây tái sinh

Cẩm lai tái sinh bằng hạt và bằng chồi khá mạnh. Cây non tái sinh thường có lá chét màu đỏ đun, đỏ cam, vàng cam hoặc hồng nhạt.

Cây tái sinh có hình thái lá tương tự cây trưởng thành. Lá kép lông chim một lần lẻ, dài 8 – 12 cm với 7 – 11 lá chét ở cây mầm (cây con 3 – 6 tháng) hoặc dài 15 – 25 cm với (9) 11 – 17 lá chét ở giai đoạn sau. Lá hình trứng ngược hoặc bầu dục, kích thước 1 – 1,2 cm x 2 – 2,5 cm, màu xanh nhạt ở cây mới nảy mầm; hình bầu dục thuôn, kích thước 1,5 x 3 cm ở giai đoạn già hơn hoặc ở cây tái sinh chồi; cuống lá chét dài 2 – 3 mm. Gân lá nổi rõ ở cả hai mặt.

Cây Cẩm lai ở giai đoạn nhỏ ưa sáng nhưng có thể chịu bóng một phần nên được ghi nhận tái sinh mạnh trong cả ba kiểu rừng là: rừng thường xanh, rừng bán thường xanh cây Bằng lăng và cây họ Dầu, và rừng cây gỗ hỗn giao Tre – nứa.

Hình thái cây Cẩm lai tái sinh chồi ở VQG Yok Đôn
Hình thái cây Cẩm lai tái sinh chồi ở VQG Yok Đôn
Hình thái cây Cẩm lai tái sinh chồi ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái cây Cẩm lai tái sinh chồi ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái cây Cẩm lai tái sinh hạt ở VQG Bù Gia Mập
Hình thái cây Cẩm lai tái sinh hạt ở VQG Bù Gia Mập

Đặc điểm nhận dạng gỗ tròn

Trên mặt cắt ngang thân cây thấy rõ phần gỗ dác và gỗ lõi phân biệt về màu sắc. Gỗ dác thường có màu xám vàng nhạt đến xám trắng. Gỗ lõi có màu nâu hồng, nâu tím, nâu vàng. Gỗ lõi để lâu ngày thường chuyển dần sang màu nâu thẫm.

Đối với loại gỗ Cẩm lai, gỗ dác có độ bền tự nhiên khá tốt nên phần gỗ dác cũng được sử dụng. Cây gỗ Cẩm lai ít có hiện tượng rỗng ruột hơn cây gỗ Trắc.  Gỗ Cẩm lai nặng và cứng, tuy nhiên nhẹ hơn gỗ Trắc, khối lượng riêng trung bình 940 kg/m3.

Gỗ dác và gỗ lõi Cẩm lai phân biệt về màu sắc
Gỗ dác và gỗ lõi Cẩm lai phân biệt về màu sắc

Đặc điểm nhận dạng gỗ xẻ

Gỗ mới xẻ không có mùi chua như mùi gỗ Trắc mà có mùi hăng.

Gỗ dác thường có màu xám vàng nhạt, xám trắng. Gỗ lõi có màu nâu hồng, nâu tím, nâu vàng

Trên mặt xẻ xuyên tâm thường có những sọc dọc màu nâu đến đen.

Những sọc màu này thường tạo ra vân rất đẹp trên mặt tiếp tuyến.

Gỗ để lâu ngày, màu tối dần thành đỏ nâu, nâu đen.

Do gỗ Cẩm lai quý và có giá trị cao nên được tận thu, vì thế gỗ xẻ,  gỗ đẽo vuông khá đa dạng về hình dạng và kích thước.

Đặc điểm gỗ Cẩm lai xẻ
Đặc điểm gỗ Cẩm lai xẻ

Đặc điểm nhận dạng sản phẩm gỗ

Sản phẩm từ gỗ Cẩm lai thường được sơn phủ bằng vật liệu không màu trong suốt nên thấy rõ vân gỗ và màu nâu tím (màu nếp cẩm) rất đẹp. Ngoài ra, nhiều loại sản phẩm có phần gỗ dác rất dễ nhận biết. Nhìn chung gỗ Cẩm lai có màu sáng hơn gỗ Trắc và giữ được màu lâu hơn gỗ Trắc.

Đôi lộc bình bằng gỗ Cẩm lai
Đôi lộc bình bằng gỗ Cẩm lai

Đặc điểm nhận dạng bằng cấu tạo thô đại của gỗ

Gỗ lõi có màu nâu hồng, nâu tím, nâu vàng. Trên mặt xẻ dọc thường có sọc màu nâu đen

Sọc màu của gỗ Cẩm lai trên mặt cắt xuyên tâm
Sọc màu của gỗ Cẩm lai trên mặt cắt xuyên tâm

Quan sát mặt cắt ngang bằng mắt thường và kính lúp cầm tay nhận thấy: Gỗ có mạch phân tán (lỗ mạch phân bố gần như đều khắp). Lỗ mạch có hai loại kích thước khác nhau.

Hình ảnh mặt cắt ngang gỗ Cẩm lai (hướng dọc ảnh: hướng  xuyên tâm hay hướng theo tia gỗ; hướng ngang ảnh: hướng tiếp tuyến
Hình ảnh mặt cắt ngang gỗ Cẩm lai (hướng dọc ảnh: hướng
xuyên tâm hay hướng theo tia gỗ; hướng ngang ảnh: hướng tiếp tuyến

Mạch gỗ chủ yếu là mạch đơn (một mạch đơn lẻ) và kép ngắn (2 – 3 mạch đơn liên kết thành mạch kép hướng xuyên tâm), ít khi gặp kép dài (trên 4 mạch đơn liên kết)(Hình 4.18).

Trong mạch ở gỗ lõi thường thấy có chất chứa màu nâu đỏ.

Mô mềm dọc vây quanh mạch thành hình cánh, cánh nối tiếp.

Mô mềm thành dải hẹp tiếp tuyến, liên tục hoặc không liên tục, lệch hoặc lượn sóng. Dải mô mềm đan với tia thành hình mạng lưới rất nét là một đặc điểm đặc trưng để phân biệt với gỗ Trắc.

Mô mềm dọc (những dải màu sáng hướng ngang ảnh) đan với tia  gỗ (những dải màu sáng hướng dọc ảnh) thành hình lưới
Mô mềm dọc (những dải màu sáng hướng ngang ảnh) đan với tia
gỗ (những dải màu sáng hướng dọc ảnh) thành hình lưới

Trên mặt cắt tiếp tuyến, quan sát bằng kính lúp cầm tay thấy rõ tia gỗ xếp tầng

Hình ảnh tia gỗ xếp tầng trên mặt cắt tiếp tuyến của gỗ Cẩm lai  quan sát được bằng kính lúp
Hình ảnh tia gỗ xếp tầng trên mặt cắt tiếp tuyến của gỗ Cẩm lai
quan sát được bằng kính lúp

Các bạn đang có nhu cầu mua cây giống gỗ cẩm lai hãy liên hệ với chúng tôi thông tin dưới đây.

Hotline/Zalo0798 414 414 hoặc 0764 456 123 

Địa chỉ: Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *